Quy tụ nhiều lợi thế về tự nhiên và văn hóa, Hà Nội được đánh giá là điểm đến lý tưởng để phát triển du lịch ven đô. Thế nhưng, trong những năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn phát triển nhỏ lẻ, tản mạn, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Du lịch Việt Nam những năm gần đây có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, 73 triệu lượt khách nội địa. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, lượt khách quốc tế đạt 11,9 triệu lượt, tăng gần 23% so với cùng kì năm ngoái.
Nhiều diễn giả tham gia thảo luận tại tọa đàm “Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng”
do Tạp chí The Leader tổ chức
Sự phát triển của ngành du lịch là đòn bẩy cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện sức nóng của bất động sản nghỉ dưỡng mới chỉ tập trung ở các khu vực ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc, Hải Phòng… Trong khi đó, du lịch nghỉ dưỡng ven đô lại chậm phát triển và tụt hậu. Số lượng những khu du lịch được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh thành lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình còn rất khiêm tốn.
Tại tọa đàm “Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng” do Tạp chí The Leader tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng du lịch ven đô dù đã xuất hiện từ khá lâu nhưng sự phát triển còn mang tính chất nhỏ lẻ, tản mạn và tự phát. Trong khi đó, tại những thành phố lớn, nơi người dân bị áp lực về môi trường, cuộc sống thì du lịch ven đô là một nhu cầu cần thiết. Người dân thành thị cần thời gian ngắn và chi phí thấp để giải tỏa những áp lực đó và du lịch nghỉ dưỡng ven đô đáp ứng được điều này.
Để khắc phục thực trạng trên, du lịch ven đô cần sự kết nối các chuỗi giá trị để tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình. Chuỗi giá trị gắn liền với chuỗi trách nhiệm, chuỗi quyền lợi, tạo nền tảng, cơ sở cho sự phát triển mạnh trong những năm kế tiếp.
20 năm trước, du lịch nghỉ dưỡng ven đô là một khái niệm xa lạ nhưng đến nay, vấn đề này lại trở thành một nhu cầu thiết yếu. Ông Thản cho rằng các nhà đầu tư, phát triển dự án cần một cái tầm để đưa ra “cái cung” đi trước, đón đầu, phù hợp với quy luật của thời thế và tiến hành các công việc cụ thể.
Sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Archi, nhận định thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô còn rất tiềm năng và sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới bởi 7 lý do chính sau đây.
Thứ nhất là nguồn cầu của thị trường lớn. Nguồn cầu này đến từ 2 nguồn chính là khách là du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và người dân sinh sống trong chính nội đô. Hiện thị trường ngoại ô đóng vai trò “chia lửa” cho thị trường nội đô vốn đang quá tải một cách toàn diện.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Archi, nhận định thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô còn rất tiềm năng và sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới
Năm 2016, Hà Nội đón 21,8 triệu lượt khách du lịch trong khi Nha Trang – một điểm nóng của nghỉ dưỡng ven biển chỉ có 4,6 triệu lượt khách. Thế nhưng từ 2012-2017, trong 5 năm, Hà Nội chỉ cung thêm vào nguồn cung hiện tại 1.200 phòng khách sạn 3-5 sao. Lượng cung vô cùng khiêm tốn này khiến sức ép ngày càng tăng lên thị trường du lịch nội đô Hà Nội, khiến thời gian lưu trú của khách ngày càng giảm. Kết nối du lịch nội đô với khu vực ngoại vi là một biện pháp giảm áp lực hữu hiệu.
Nguồn cầu thứ 2 quan trọng và bền vững hơn là khách trong nội đô ra ngoại ô nghỉ dưỡng. Hiện nội đô Hà Nội có 4,5 triệu người. Họ sinh sống trong 1 thành phố trẻ đang phát triển với sự căng thẳng của công việc, với tắc đường, ô nhiễm. Do đó, nhu cầu ra ngoại ô để thay đổi không gian sống, tận hưởng trải nghiệm mới là một nhu cầu thiết yếu.
Thứ hai, nguồn cung nghỉ dưỡng ngoại ô đang vô cùng hạn chế. Các khu nghỉ dưỡng xung quanh Hà Nội, từ Ninh Bình đến Mộc Châu (Sơn La) có tổng cộng chưa đầy 1600 phòng từ 3-5 sao. Sự hạn chế cơ sở lưu trú khiến khách hàng thường tập trung đi và về trong ngày. Trên thực tế, các farm (nông trại), homestay, các khu du lịch cộng đồng đang có lợi thế lớn do không cần lưu trú. Nguồn cung hạn chế, dân số Hà Nội ngày càng tăng thì bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô là thị trường tiềm năng cho các nhà phát triển.
Thứ ba, sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch khiến thị trường ngoại ô ngày càng dễ tiếp cận. Rào cản di chuyển từ nội đô ra vùng ven càng ngày càng thấp khiến các chủ đầu tư và khách du lịch hào hứng tham gia vào thị trường này.
Thứ tư, nghỉ dưỡng ven đô có chi phí thấp. Một resort hạng khá ven đô có mức giá 2,8 triệu đồng/phòng/ngày, tính ra mỗi người một ngày cả chi phí ăn uống, nghỉ ngơi rơi vào khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này chưa bằng giá vé máy bay đến một số thị trường nghỉ dưỡng trong nước.
Thứ năm, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô cũng tăng trưởng theo. Khi kinh tế khủng hoảng, thị trường này vẫn có tiềm năng nhất định để phát triển. Những người sẵn sàng chi trả chi phí lớn du lịch xa, nếu không còn đủ khả năng, họ sẽ quay về về thị trường ven đô. Trên thực tế, giai đoạn kinh tế khó khăn, thị trường ngoại ô vẫn phát triển tốt.
Thứ sáu, ngoại ô Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đó là văn hóa giàu bản sắc, thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực phong phú và con người thân thiện.
Thứ bảy, Bộ chính trị xác định lấy ngành du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế.
(Theo Tuổi trẻ Online)