Tại sự kiện online “Toàn cảnh thị trường bất động sản quý 1/2025” do nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn tổ chức, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, câu chuyện “sáp nhập tỉnh” đang tác động mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh các chỉ số của nền kinh tế thời điểm đầu năm vững vàng.
Sáp Nhập Tỉnh – Cú Hích Của Thị Trường Bất Động Sản Việt Nam
Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục có sự khởi sắc trên nền tảng kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Theo đó, Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong những tháng đầu năm 2025 vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý 1/2025 ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020-2025. Đáng chú ý, FDI đăng kí đạt mức 5 tỷ USD, và vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD. Cũng trong quý 1/2025, Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là những chỉ số tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
Trong bối cảnh kinh tế ghi nhận những diễn biến tích cực, thị trường bất động sản Việt Nam cũng có những biến động mạnh đến từ kế hoạch sáp nhập tỉnh. Ông Quốc Anh cho biết, so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh khá lớn với 63 tỉnh, thành. Số lượng tỉnh, thành tại nhiều quốc gia phát triển khá khiêm tốn. Đơn cử, Trung Quốc chỉ có 36 tỉnh, thành; Nhật Bản là 47; Indonesia là 38; Malaysia là 16. Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã có nhiều lần thực hiện việc tách và nhập tỉnh. Sau giai đoạn tách tỉnh liên tục, Việt Nam hiện chỉ có 14/63 tỉnh hiện đạt đủ 3 tiêu chuẩn về diện tích, dân số, đơn vị hành chính.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh, mục tiêu chung của việc sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Đối với các tỉnh dự kiến sáp nhập, quyết định sáp nhập sẽ xem xét nhiều tiêu chí kinh tế – xã hội quan trọng. Cụ thể hơn, các tiêu chí sáp nhập tỉnh là diện tích tự nhiên, quy mô dân số, địa kinh tế (vị trí địa lý, quy mô, trình độ phát triển), lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo và dân tộc.
Mức Độ Quan Tâm Tăng Tại Các Tỉnh Có Kế Hoạch Sáp Nhập
Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho biết, hiện tại, việc sáp nhập tỉnh được đánh giá sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS. Đây cũng là vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tháng 3/2025 tăng mạnh so với tháng 2/2025 tại các tỉnh có sự tương đồng hoặc bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Đơn cử, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm bất động sản Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%.
Ngoài ra, các tỉnh có vị trí địa lý, lợi thế thiên nhiên tương đồng cũng ghi nhận biến động tích cực như Hưng Yên tăng 36% – Thái Bình tăng 75%. Các trường hợp tương đồng về quy mô, bổ trợ về kinh tế du lịch biển cũng có lượng tìm kiếm tăng đáng kể như Quảng Bình tăng 45% – Quảng Trị tăng 8%.
Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị”với 12,5 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm bất động sản tăng tương mạnh. Đơn cử, TP.HCM tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 42%.
Ông Quốc Anh nhấn mạnh, nhìn lại bài học thực tế như trường hợp Hà Nội – Hà Tây sáp nhập trong giai đoạn 2016 – 2025, giá nhà đất khu vực Hà Tây cũ tăng từ 2,6 đến 15 lần, trong khi Hà Nội cũ tăng trung bình 2,4 lần. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, nhiều dự án tại Hà Tây cũ bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, đặt ra nghi vấn về tính bền vững trong tăng giá.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị bất động sản chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Nhầ đầu tư cần đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Thời gian xuất bản: 10:00 15/04/2025
Link nguồn: https://sap-nhap-tinh-dang-tac-dong-manh-den-thi-truong-bat-dong-san-Viet-Nam-202250411161925298.htm