Nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM, hai đô thị lớn nhất Việt Nam là rất cao khi mỗi năm hai đô thị này có thêm 110.000 hộ gia đình mới.
Trong các báo cáo mới đây, Phòng Phân tích Công ty CP chứng khoán VnDirect cho biết, dù bất động sản Việt Nam rơi vào tình trạng giảm tốc trong nhiều tháng nhưng về tổng quan, thị trường vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Đơn vị này đã nêu ra 3 cơ sở để tin vào bức tranh tươi sáng của thị trường nhà ở trong thời gian tới.
Nhu cầu nhà ở rất lớn
Theo ước tính của đơn vị này, trong giai đoạn 2018-2020, mỗi năm, Hà Nội và Tp.HCM sẽ đón thêm 110.000 hộ gia đình mới do tốc độ đô thị hóa nhanh về những thành phố phát triển và xu hướng nhập cư từ những vùng lân cận. Nhu cầu nhà ở cũng tăng lên do sự thay đổi trong cấu trúc dân số và tình hình xã hội, gồm cả xu hướng tách khỏi gia đình nhiều thế hệ nên số người trong mỗi hộ sẽ giảm.
Khi thu nhập trên đầu người tăng cùng với triển vọng khả quan của nền kinh tế trong trung hạn, việc mua nhà không chỉ để phục vụ nhu cầu về chỗ ở, mà còn là công cụ sinh lời và bảo vệ giá trị tài sản khỏi yếu tố lạm phát với người lần đầu sở hữu bất động sản nhà ở.
Thị trường bất động sản được đánh giá là vẫn có nhiều điểm sáng tích cực
Chính phủ tiếp tục mạnh tay đầu tư vào hạ tầng giao thông
Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ tiêu phát triển hạ tầng tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao. Theo số liệu từ Asian Development Bank (ADB), trong giai đoạn 2010-2016, mức chi tiêu trung bình hàng năm cho hạng mục này là 5,7% trên GDP.
Những hạng mục quan trọng như đường vành đai, đường sắt đô thị giúp kết nối liên vùng với những khu vực ngoài trung tâm hành chính và mở rộng khu vực nội thành. Khi đó, các dự án nhà ở tại vùng ven, nơi có giá đất thấp hơn để phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền và trung cấp sẽ được thúc đẩy.
Lãi vay mua nhà chưa gây áp lực lên nhu cầu trong ngắn hạn
Trong báo cáo của mình, VnDirect đã dẫn lại số liệu của CBRE về diễn biến lãi vay mua nhà tại Việt Nam. Hết nửa đầu năm 2018, lãi vay mua nhà đã tăng 1 điểm phần trăm lên mức 11-12% và trong năm 2019 có thể chạm mức 13%. Qua đó có thể thấy việc tăng lãi suất hệ thống nhằm duy trì lạm phát và hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Một thực tế là khi lãi suất tăng cao, nhu cầu mua nhà từ trung đến dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, World Bank dự đoán, trong giai đoạn 2018-2020, thu nhập lao động mỗi năm tăng 13,2% có thể duy trì khả năng trả gốc và lãi của người mua nhà ở mức 45-50% tổng thu nhập. Khi đó, lãi vay mua nhà sẽ không gây áp lực nhiều lên nguồn cầu trong ngắn hạn.
Ngược với góc nhìn lạc quan này, có nhiều quan điểm cho rằng thị trường đang khá ảm đạm, thậm chí có nguy cơ xảy ra “bong bóng”.
Vào cuối quý II/2018, trong Hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro”, chuyên gia kinh tế ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nếu tín dụng tiếp tục đổ vào bất động sản thì thị trường địa ốc có thể rơi vào tình trạng “bong bóng”. Một nguyên nhân gián tiếp hình thành “bong bóng” bất động sản chính là đà tăng tín dụng hiện nay.
Ông Hiếu cho rằng, dấu hiệu xảy ra “bong bóng” là giá bất động sản tăng 100% trong một năm. Theo ông, “bong bóng” có thể nổ vào năm 2019, tương đương chu kỳ khủng hoảng 10 năm của thị trường.
Vị chuyên gia này cũng đề cập đến thực trạng tín dụng tiêu dùng đang bị sử dụng sai mục đích, chuyển hướng vào bất động sản, gây rủi ro cho thị trường và thời gian tới cần phải được giám sát, chấn chỉnh.
(Theo Vnexpress)