Nội dung bài viết
Xuất phát từ dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn học tập và làm việc, anh Minh Phúc đã 3 lần mua nhà và mỗi lần mua anh đều đúc rút được những bài học quý giá.
Dưới đây là chia sẻ của anh Phúc với Batdongsan.com.vn về hành trình mua nhà Sài Gòn của mình:
Tôi và vợ đều cùng quê, thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất miền Trung. Từ lúc học đại học cho đến lúc lấy nhau, hai đứa có một thời gian dài sống cảnh nhà trọ ở Sài Gòn. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được cảnh sống tạm sống bợ bất tiện và khó khăn như nào. Đó là lý do khiến cả hai vợ chồng luôn ấp ủ quyết tâm mua nhà Sài Gòn.
Lần đầu tiên mua nhà đã trúng đậm
Năm 2009, khi tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng, hai vợ chồng dự tính sẽ tìm mua một căn nhà cấp 4 nhỏ nhỏ, xa trung tâm cũng được, số tiền còn thiếu sẽ vay ngân hàng và một phần vay thêm từ bạn bè. Cứ cuối tuần, tôi lại leo lên con xe máy cà tàng phi hết quận này đến quận nọ ven khu trung tâm để tìm nhà đất. Hơn 3 tháng rong ruổi hết hẻm này ngõ nọ, xem chắc cũng vài chục miếng đất, căn nhà, cuối cùng tôi cũng kiếm được một mảnh đất rộng 30m2, có sẵn nhà cấp 4, giá 350 triệu đồng. Chỗ này thuộc địa bàn huyện Thủ Đức, khá xa khu trung tâm thành phố, thậm chí chưa có đường nhựa mà chỉ mới là đường đổ đá đi tạm. Thấy khu đất cách chỗ làm của tôi ngót nghét gần 20km, người thân, bạn bè của tôi ai cũng khuyên đừng mua. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại có một niềm tin về tương lai khu đất này sẽ rất khả quan. Mặc dù xa trung tâm, lại khá vắng nhưng tôi tìm hiểu thì khu này không bị ngập nước, có đường tắt đi ra một số trường như Đại học Nông Lâm và các trường thuộc khối Đại học quốc gia. Vì thế nên tôi bàn với vợ xoay tiền rồi mua đứt mảnh đất đó.
Từ sau năm 2010 trở đi, đường xá được nâng cấp, khu làng đại học ngày càng mở rộng cùng với đó là sự phát triển của các khu công nghệ cao, khu đô thị vùng ven thành phố đã kéo theo giá đất tăng lên chóng mặt. Năm 2014 tôi bán mảnh đất và lãi khá đậm.
Lần thứ hai mua nhà, vào ở chưa được bao lâu phải bán gấp
Sau khi bán lại căn nhà ở Thủ Đức được một món lời kha khá, gộp với tiền làm ăn bên ngoài, năm 2015 tôi mua một căn chung cư ở khu Phú Mỹ Hưng với giá hơn 2 tỷ đồng. Có lẽ, căn chung cư này là sai lầm lớn nhất của tôi. Thật sự thì tôi đã gom hết tiền dành dụm, cộng vay thêm người thân mới mua được căn chung cư này. Mua xong tôi hết sạch vốn làm ăn, chỉ biết cặm cụi đi làm để trả nợ. Không chỉ hết vốn làm ăn mà môi trường sống cũng không phù hợp với gia đình tôi. Tôi không thể sống quen với cảnh đồ ăn thì đắt đỏ, không có những quán ăn vỉa hè, những tiệm sửa xe bình dân,… Càng ngày tôi ngày càng cảm thấy “lệch tông” với khu này và thấy hối hận với quyết định mua nhà của mình. Thực ra cũng đúng thôi, vì Phú Mỹ Hưng là nơi ở của người giàu có, dư dả. Tôi sai lầm khi chỉ nhìn vào phồn hoa của nó mà dấn thân vào ở. Cuối cùng ở được 1 năm tôi quyết định bán căn chung cư đó, xuống Quận 9 mua một căn hộ 75m2, 2 phòng ngủ với giá 1,4 tỷ.
Lần thứ ba mua nhà, tận dụng vốn vay ngân hàng và dùng chính căn nhà để trả nợ
Dư khoảng 800 triệu từ việc bán căn nhà ở Phú Mỹ Hưng, giữa năm 2017, tôi quyết định mua thêm 1 căn chung cư ở quận Thủ Đức. Căn hộ này rộng 68m2, 2 phòng ngủ, giá 1,2 tỷ đồng. Tôi làm thủ tục vay ngân hàng 800 triệu, trả góp trong vòng 15 năm, mỗi tháng trả cả lãi và gốc khoảng 10 triệu. Còn dư 400 triệu tôi để dành để đầu tư kinh doanh. Sau khi mua nhà, tôi cho thuê lại được 7 triệu đồng/tháng, bù thêm khoảng 3 triệu là tôi đủ trả nợ ngân hàng mỗi tháng mà không hề bị áp lực. Việc đầu tư kinh doanh thuận lợi nên giờ tôi đã trả gần hết số nợ ngân hàng. Cách đây vài tháng có người ngỏ ý muốn mua lại căn hộ này của tôi với giá 1,8 tỷ. Tức sau hơn 3 năm, giá trị căn nhà đã chênh 600 triệu so với giá gốc nhưng tôi không bán mà muốn giữ lại cho thuê tạo nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.
( Theo Hà Nhung / Thanhnienviet )