Nội dung bài viết
(ĐTCK) Công trình xanh, công trình thông minh đang trở thành xu thế mới trong lĩnh vực bất động sản, nhưng để có dự án xanh, dự án thông minh, đầu tiên cần phải có vật liệu xây dựng thông minh.
Vật liệu thông minh xác lập vị thế mới
Bê tông sợi thủy tinh được sử dụng ngày càng phổ biến cho các công trình kiến trúc.
Từ công trình xanh
Mặc dù còn gặp phải không ít rào cản cả về nhận thức, quá trình đầu tư và thị trường, nhưng công trình xanh thời gian qua đã nhận được sự chú ý của cộng đồng. Đặc biệt, với các dự án bất động sản cao cấp, công trình xanh được coi là một “mật mã” quan trọng trong việc gia tăng vị thế, uy tín thương hiệu chủ đầu tư, dự án và công tác bán hàng.
Một dự án, công trình khi hội tụ đủ các điều kiện về phát triển theo hướng bền vững như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng các loại vật liệu bền vững (tái chế, tái sử dụng, gần địa phương, có nguồn gốc…), đạt các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe cho người sử dụng, được coi là công trình xanh.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều hệ thống chứng nhận về công trình xanh như LEED, EDGE, Green Mark, LOTUS…. Trong đó, LEED là hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện, được phát triển tại Mỹ và phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế. Các yêu cầu của LEED chủ yếu thích hợp với các thị trường xây dựng tại các nước phát triển hơn là các nước đang phát triển.
EDGE là hệ thống chứng nhận tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa của vật liệu, phù hợp với các dự án có mục tiêu tối thiểu hoá mức tiêu thụ tài nguyên.
Green Mark là hệ thống chứng nhận công trình xanh của Singapore. Các tiêu chuẩn của Green Mark chủ yếu phù hợp với thị trường xây dựng tại các nước phát triển.
LOTUS là hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện được phát triển cho thị trường xây dựng tại Việt Nam. Các yêu cầu của LOTUS được điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng, quy định của Nhà nước và điều kiện khí hậu tại Việt Nam.
Mỗi hệ thống này về cơ bản sẽ thích hợp với những quốc gia có nền tảng kinh tế, khoa học kỹ thuật, mặt bằng dân trí và mô hình phát triển bất động sản khác nhau.
Đại diện một sàn giao dịch bất động sản lớn tại Hà Nội nhìn nhận: “Những năm gần đây, thiết kế công trình xanh đang là xu hướng được chú trọng trong lĩnh vực kiến trúc. Bởi lẽ, yếu tố xanh hay sinh thái góp phần nâng cao chất lượng sống của con người. Do đó, yếu tố này vô hình trung được xem là một trong những chuẩn mực của công trình kiến trúc hiện nay. Những công trình/dự án có thiết kế vừa đảm bảo tính hiện đại, vừa đáp ứng được yếu tố sinh thái luôn được khách hàng quan tâm”.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group nhận xét: “Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, việc phát triển các công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn với nền kinh tế – xã hội và môi trường”.
Cho đến nhà thông minh
Nhà thông minh ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc khai phá, thử nghiệm, thăm dò thị trường, đặc biệt là giáo dục người dùng. Tuy nhiên, với những lợi ích mà nó mang lại, nhà thông minh được dự báo sẽ là một xu thế không thể đảo ngược ngay trong tương lai gần, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nhà thông minh nhận xét: “Chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực của các khách hàng Việt Nam về lợi ích kinh tế, tính hiệu quả và hiệu suất của các dịch vụ và công nghệ mà nhà thông minh đã, đang mang lại tại nhiều dự án”.
Còn bà Nguyễn Thu Trang, đại diện Arkos Smart Home chia sẻ: “Hiện có rất nhiều công ty quan tâm đến nhà thông minh vì sự tiện lợi. Các chủ đầu tư giờ đây đã chủ động hơn trong việc tích hợp công nghệ nhà thông minh vào các dự án để cung cấp cho khách hàng”.
Nhận xét về triển vọng phát triển nhà thông minh tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà thông minh Lumi Việt Nam chia sẻ, nhà thông minh là thuật ngữ ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi với người tiêu dùng. Mọi người đều hiểu rằng, trong một ngôi nhà thông minh, các thiết bị đều có thể kết nối với internet, có thể điều khiển, giám sát thông qua smartphone.
Vật liệu mới giúp các công trình xây dựng không chỉ tăng độ bền mà tăng cả mỹ thuật
“Việc giám sát toàn bộ ngôi nhà dù bạn đi vắng, hoặc thậm chí bạn đang ở bất cứ đâu trên thế giới miễn rằng có kết nối mạng đã không còn là giấc mơ xa vời xét về cả khía cạnh công nghệ lẫn giá thành cho đại bộ phận người tiêu dùng”, ông Tài nói và cho biết, ở Việt Nam, điều đáng mừng là đã có một số công ty nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm nhà thông minh, thương mại hóa được trên thị trường và có tiềm năng xuất khẩu nếu bước qua được các rào cản về tiêu chuẩn khắt khe của một số thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Vai trò của vật liệu thông minh
Mới đây, Công ty Kite Bricks (Anh) đã phát triển thành công một loại gạch thông minh từ bê tông cường độ cao với những đặc tính độc đáo giúp tiết kiệm chi phí điện năng liên quan đến việc làm mát và sưởi ấm cho các công trình xây dựng. Đồng thời, loại gạch này cũng giúp giảm thời gian xây dựng với độ chính xác cao hơn nhiều so với các phương pháp xây dựng truyền thống.
Loại gạch này được kỳ vọng sẽ là vật liệu thay thế ưu việt cho các loại gạch truyền thống tại các công trình xanh khi tiết kiệm tới 70% chi phí xây dựng, giảm 80% thời gian xây dựng, giảm mức tiêu thụ năng lượng, công trường sạch sẽ và yên tĩnh.
Cũng tại Anh, cách đây ít lâu, Đại học Newcastle đã thực hiện một dự án xây dựng có tên Living Architecture nhằm phát triển loại gạch có màng sinh học, có khả năng khai thác năng lượng từ mặt trời, nước thải và không khí ô nhiễm để biến chúng thành nguồn tài nguyên có thể sử dụng được.
Bên trong mỗi viên gạch là một tế bào vi khuẩn được làm đầy bằng vi sinh vật tổng hợp có thể lập trình được. Một loạt các vi sinh vật sẽ nằm trong các khoang được thiết kế đặc biệt để thực hiện một số chức năng bao gồm việc làm sạch nước, lọc phosphate từ không khí, phát điện và tạo ra chất tẩy rửa. Những viên gạch thông minh này có khả năng biến các tòa nhà thông thường thành những chiếc máy hiệu quả.
Ngày càng có nhiều hơn các loại sơn xanh (cách nhiệt, thân thiện môi trường, an toàn cho người sử dụng)
Công nghệ vật liệu mới, vật liệu thông minh không chỉ là cuộc chơi của những nước phát triển, ngay tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng nhận chuyển giao hoặc tự phát triển các sản phẩm vật liệu thông minh nhằm thay thế các vật liệu truyền thống, vốn có nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như vữa rót trộn sẵn gốc xi măng Vmat Grout EHS. Loại vữa này có nhiều ưu điểm như có khả năng tự chảy, tự san bằng, không bị ăn mòn, không co ngót, đạt cường độ cao siêu sớm, khả năng chống thấm, thời gian cho phép thi công kéo dài từ 20-30 phút, thi công dễ dàng, không bị phân tầng, tách nước, không có tính độc hại…
Đây là loại bê tông do Công ty cổ phần VMAT nghiên cứu, phát triển. Loại bê tông này đã giúp sửa chữa thành công cây Cầu Vàng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trước hiện trạng bị bong tróc, nham nhở bề mặt, nứt gẫy vỡ khe mối nối tạo ra những rãnh, hố sâu lớn, nhỏ gập ghềnh, gây ra nhiều nguy hiểm, khó khăn cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lưu thông qua lại của các phương tiện.
Đánh giá về sản phẩm mới này, GS. Phạm Ngọc Khánh, nguyên Trưởng Bộ môn Sức bền vật liệu và cơ học kết cấu (Trường Đại học Thuỷ lợi) cho biết, bê tông tự chảy là một loại vật liệu đông cứng nhanh, chỉ trong 5 giờ sau thi công là xe có thể đi qua bình thường. Với bê tông bình thường, sau thi công 28 ngày mới có thể đạt chất lượng tốt nhất, bê tông nhanh cũng phải đủ 14 ngày mới đạt mác.
“Hiện việc đổ trụ các cây cầu rất cần loại bê tông tự chảy mác cao này, vì trong khi thi công quây tường trụ thép thường phải vừa thi công vừa bơm nước, để chờ bê tông khô. Do đó, với thời gian 5 giờ thi công của Vmat Grout EHS là một lợi thế lớn trong giải pháp thi công, làm lợi rất lớn cho nhà đầu tư và đặc biệt phù hợp với đa dạng các loại công trình giao thông, thuỷ lợi, cầu cống”, ông Khánh đánh giá.
Thực tế, lĩnh vực vật liệu thời gian qua đã có những bước tiến dài về công nghệ, thậm chí cả với nano, một công nghệ vốn chỉ xuất hiện với các ứng dụng y học, công nghệ truyền dẫn, thì nay cũng đã có mặt trong ngành vật liệu.
Đã có những công trình xây dựng tại Việt Nam sử dụng vật liệu bê tông cốt sợi thủy tinh có phủ nano. Đây là loại vật liệu thông minh còn mới nhưng cũng đã cho thấy những đặc tính ưu việt rõ rệt như khả năng biến tấu đa dạng, đáp ứng các chi tiết có độ khó cao về kiến trúc, kỹ thuật.
Do được gia cố cốt chứa sợi thủy tinh kháng kiềm và các phụ gia hóa dẻo trộn trong lớp vữa xi măng, nên sản phẩm có độ uốn và độ bền cao, có thể sử dụng cả với môi trường khắc nghiệt như vùng biển, hải đảo.
Các đơn vị cung cấp vật liệu thông minh cũng có những sự điều chỉnh nhất định về công thức chế tạo, sản xuất để có thể đáp ứng linh hoạt và tốt nhất yêu cầu kỹ thuật của mỗi công trình.
“Tùy thuộc vào yêu cầu công việc, công trình để bổ sung các loại chất khác nhau vào hỗn hợp vữa như acrylic polyme, xi măng, chất phụ gia để cải thiện tính ổn định lâu dài của vật liệu. Các dữ liệu thử nghiệm và hiệu suất mở rộng có sẵn trên tất cả các khía cạnh của công thức hỗn hợp”, đại diện Công ty AmaCCao, đơn vị cung cấp bê tông sợi thủy tinh cho biết.
Liên tục cải tiến
Nhiều loại vật liệu mới, vật liệu thông minh, vật liệu xanh thân thiện môi trường được các doanh nghiệp vật liệu trong nước nghiên cứu, cải tiến để nâng cao chất lượng trong thời gian qua.
Trong đó, gạch bên tông cốt liệu là sản phẩm có được nhiều cải tiến theo hướng tăng độ bền, khả năng chịu lực, chống thấm. Các đơn vị cung cấp vật liệu bằng cách sử dụng công nghệ rung ép cường độ lớn, giúp viên gạch trở nên kín khít hơn và sự liên kết giữa các loại nguyên liệu chặt chẽ hơn.
Mặt khác, một tỷ lệ nhất định tro bay được sử dụng để giúp cho viên gạch kín khít và tăng tuổi thọ, độ bền. Bởi tro bay là vật liệu có đường kính rất nhỏ, nên có thể lấp đầy những khoảng trống trong cấp phối viên gạch và giúp cho nước không thể xuyên qua được.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Gạch Khang Minh cho biết: “Chúng tôi đã liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2012, Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp sản xuất nâng cao khả năng chống thấm cho sản phẩm, khắc phục nhược điểm cố hữu trong quá khứ. Năm 2014, Công ty nghiên cứu và ứng dụng thành công các giải pháp đa thành vách (cho gạch), giúp giảm chiều dày bức tường, tăng khả năng cách âm, cách nhiệt cho công trình. Từ năm 2014 – 2017, tiếp tục nghiên cứu và triển khai thành công các giải pháp giảm trọng lượng cho sản phẩm”.
Một sản phẩm khác là cấu kiện bê tông đúc sẵn cường độ cao, cũng có những cải tiến đáng kể trong thời gian qua. Theo đó, sản phẩm này đã được cải tiến để tăng độ bền bằng việc sử dụng bê tông khô và phương pháp rung ép, rút khuôn luôn từ vật liệu là bê tông không có độ sụt và thép cường độ cao. Cách làm này giúp tăng độ bền, tạo hình đa dạng. Ngoài ra, chi phí ván khuôn giảm, tăng hiệu quả năng suất và bền vững thân thiện với môi trường…
Với ngành sơn, việc cung cấp các sản phẩm sơn xanh đã phần nào giải tỏa cơn khát về loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường, đặc biệt thích hợp cho các dự án xanh, nhà thông minh khi đảm bảo đủ các tiêu chí chống nóng, cách nhiệt, phản nhiệt, an toàn cho người sử dụng. Điển hình, loại sơn Graphenstone với khả năng phản nhiệt tốt lên đến 88% trong việc chống nóng, có thể giúp giảm nhiệt độ trong nhà xuống ở mức 37 độ C.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia trong lĩnh vực sơn xanh cho biết: “Nếu bạn ở trong một ngôi nhà được xây dựng bằng các vật liệu xanh và ngôi nhà xây dựng bằng các vật liệu truyền thống sẽ có hai cảm nhận khác nhau của sự sống. Một ngôi nhà được xây bằng vật liệu xanh kết hợp với sơn xanh sẽ mang lại cho gia chủ một môi trường trong lành, thậm chí là hấp thụ CO2 tạo cho bạn cảm giác thoải mái”.
Theo ông Hải, đây đang là xu hướng xuất hiện ở ngành xây dựng Việt Nam 2 – 3 năm gần đây. Do nhu cầu của thị trường và xã hội, nên các chủ đầu tư cũng xoay vần tiến gần đến các vật liệu xây dựng thân thiện.
Việc các vật liệu thông minh mới ra đời hay trên cơ sở cải tiến từ vật liệu đã có đang góp phần ngày càng nhiều trong việc tạo nên các công trình chuẩn mực của thời đại mới. Đây cũng được coi là một lĩnh vực đầy tiềm năng với các doanh nghiệp vật liệu trong nước.
( Theo Đức Thành – Kim Đức / Báo Đầu tư Bất động sản)