Kiến thức mua nhà
Tin tức

Ký hợp đồng đặt cọc mua nhà và những điều cần nhớ

Trong giao dịch nhà đất, để ký hợp đồng đặt cọc mua nhà an toàn và đảm bảo quyền lợi, bạn không nên bỏ qua những lưu ý dưới đây.

Phân biệt rõ tiền đặt cọc và tiền trả trước

Về hình thức, tiền đặt cọc và tiền trả trước đều là khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) mà bên mua giao trước cho bên bán, nhằm đảm bảo hợp đồng sẽ được giao kết. Tuy nhiên, về bản chất, 2 khái niệm này lại hoàn toàn khác biệt và không thể đánh đồng với nhau.

Cụ thể, đặt cọc là việc bên mua giao cho bên bán một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) trong thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, tiền trả trước là việc bên mua tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên bán, nói cách khác là thực hiện trước một phần nghĩa vụ.

Vì vậy khi lập hợp đồng đặt cọc cũng như biên bản giao nhận tiền, người mua cần lưu ý ghi rõ khoản tiền mình giao trước cho bên bán là tiền cọc hay tiền trả trước, tránh phát sinh tranh chấp về sau.

Kiến thức mua nhà

Hãy thận trọng khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà. (Đồ họa: Phương Duy)

Xác định rõ các khoản bồi thường và phạt cọc

Trong giao dịch mua bán nhà đất, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền đặt cọc là quyền lợi chính đáng của người mua. Bởi số tiền đặt cọc khi giao dịch bất động sản thường rất lớn, giá trị chuyển nhượng cao, nếu bên bán bất ngờ “lật kèo” mà không bồi thường thì bên mua sẽ là người chịu thiệt.

Theo đó, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc, bên bán ngoài việc hoàn lại số tiền đặt cọc còn phải trả cho người mua khoản bồi thường hoặc khoản phạt vi phạm theo thỏa thuận trước đó trong hợp đồng. Vì vậy, người mua lưu ý phải xem xét kỹ điều khoản về tiền phạt, bồi thường để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Nên công chứng hợp đồng đặt cọc

Trên thực tế, luật không quy định bắt buộc phải thực hiện công chứng hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như tránh trường hợp tranh chấp xảy ra, người mua nên thực hiện việc công chứng.

Lưu ý, để thực hiện thủ tục công chứng, hai bên cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các giấy tờ như: Phiếu yêu cầu công chứng; dự thảo hợp đồng; bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có…

Sử dụng vi bằng hoặc nhờ người làm chứng

Trên thực tế, hợp đồng đặt cọc không công chứng, tự soạn thảo sơ sài, giao dịch sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các bên nên đến văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn, lập vi bằng về việc đặt cọc. Văn phòng thừa phát lại sẽ xem xét các giấy tờ liên quan, tư vấn cho các bên về điều khoản trong hợp đồng và trực tiếp soạn thảo hợp đồng đặt cọc. Sau đó, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng về việc đặt cọc. Vi bằng này sẽ đảm bảo cho người mua sự an toàn pháp lý.

Ngoài ra, nên có người làm chứng để củng cố tính pháp lý cho hợp đồng đặt cọc. Đối tượng làm chứng nên là người không có bất cứ mối quan hệ họ hàng, thân quen gì với một trong hai bên giao dịch.

Theo TRANG THIỀU/Laodong.vn

Link gốc: https://laodong.vn/bat-dong-san/ky-hop-dong-dat-coc-mua-nha-va-nhung-dieu-can-nho-858373.ldo

About Hacom Mall Ninh Thuận

Mua bán căn hộ, shophouse Dự ám Hacom Mall Ninh Thuận, vị trí ngay trung tâm khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1), phường Thanh Sơn, thành phố Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận. Liên hệ 0933843118

Related Posts