Tại Hội nghị Góp ý sửa đổi “Luật đất đai – Luật Nhà ở – Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, một số chủ đầu tư phát triển bất động sản đã kiến nghị sửa đổi một số điều luật nhằm thúc đẩy nhà giá rẻ phát triển.
Các chủ đầu tư ý kiến về nhà giá rẻ, nhà ở xã hội
Ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Công Ty Tập đoàn bất động sản Lan Hưng – một đơn vị chuyên phát triển nhà ở xã hội tại các thị trường tỉnh cho biết với kinh nghiệm triển khai 11 dự án nhà ở xã hội, tập đoàn của ông đang đối mặt với nhiều bất cập, thách thức do luật gây ra. Cụ thể ông Toàn cho biết luật quy định phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại là bất cập và nên sớm bỏ càng sớm càng tốt quy định này. Việc quy định một dự án nhà ở xã hội phải dành 20% nhà ở cho thuê nhưng đang vấp phải thực tế là không có người thuê. Với quy định này, ông Toàn kiến nghị nên sửa đổi giảm xuống còn 5-10%. Việc giảm tỉ lệ cho thuê sẽ tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách nước. Ở các dự án do doanh nghiệp ông triển khai đều gặp chung tình trạng là hàng ngàn căn hộ cho thuê nhưng lại không có khách thuê.
Đông đảo đại biểu tham dự chương trình đưa ra các kiến nghị về sửa đổi Luật đất đai – Luật Nhà ở – Luật Kinh doanh bất động sản
Ngoài ra, ông Toàn kiến nghị với quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội trong Điều 49 của Luật nhà ở nên sử dụng một tên gọi thống nhất là người có thu nhập thấp thay vì phân ra rất nhiều tên gọi như công chức, viên chức, người có công… Việc phân đối tượng với nhiều tên gọi đang khiến doanh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi bán hàng.
Đồng quan điểm về những bất cập trong Luật nhà ở về nhà ở xã hội, ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết với quy định phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại thì với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập (nhận chuyển nhượng, góp vốn…), có thể cho chủ đầu tư được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án. Về lâu dài, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng chiến lược phát triển nhà ở thì Nhà nước nên có các quỹ đất sạch quy hoạch khu vực xây dựng và giao cho cơ quan quản lý kinh doanh nhà cấp tỉnh làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.
Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy thị trường phát triển
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội nhận định hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản có nhiều bất cập khiến quá trình thực thi gây tắc nghẽn thị trường. Trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, Luật cần có sự sửa đổi để tháo gỡ những điểm nghẽn này để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Các điểm nghẽn cụ thể có thể kể đến là:
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2013 đang có nhiều chồng chéo về hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án; về thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu.
Thứ hai, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 đang vướng mắc ở việc chưa có định danh rõ ràng cho sản phẩm bất động sản du lịch, dẫn đến một số địa phương đã tự đưa ra các khái niệm mang tính đánh tráo là “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Ông Tuyến nhấn mạnh cần định danh được bất động sản du lịch với các tiêu chí rõ ràng trong lần sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản sắp tới. Luật cũng phải sửa và bổ sung thêm các quy hoạch để đón nhận những sản phẩm mới trong tương lai.
Thứ ba, thị trường đang vướng mắc về câu chuyện thuê đất. Đơn cử, nhà xây dựng hết 50 năm thì phải xử lý ra sao? Những người mua nhà chung cư chỉ có hạn sử dụng 50 năm thì sau 50 năm sẽ xử lý thế nào? Người mua phải mua lại hay “xóa đi, làm lại”?
Bên cạnh đó, người dân cũng chưa được tham gia vào việc xây dựng giá đất, người dân chưa được thực hiện khảo sát xem bao nhiêu % trong số họ đồng thuận hay không đồng thuận về việc đồng thuận với giá đất… Ông Tuyến kiến nghị cần tạo cơ chế cho người dân tham gia với sự dân chủ và đồng thuận hơn.
Tuấn Võ
Theo ThanhnienViet
Link gốc: http://thanhnienviet.vn/2022/04/01/doanh-nghiep-bds-kien-nghi-sua-luat-de-phat-trien-nha-gia-re/